Từ một cô bé nhà quê mò cua, bắt ốc đến cô giáo đình đám hơn 10 triệu like trên mạng Tik Tok
Từ một cô bé nhà quê mò cua, bắt ốc đến cô giáo đình đám hơn 10 triệu like trên mạng Tik Tok.
Để có tiền mua sách, cô bé Lê Trần Diệu Thu năm đó đã không ngại giữa những trưa hè nắng gắt mò mẫm bắt từng con cua, con ốc mang ra chợ. Đến khi là sinh viên cô chưa từng biết đến rạp chiếu phim, nếm món ngon, mặc những chiếc áo váy đẹp...
Lê Trần Diệu Thu, sinh năm 1995, quê Ninh Bình, tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm Ngữ văn, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2016. Năm 2019, cô nhận bằng Thạc sĩ, chuyên ngành Lý luận và Phương pháp giảng dạy bộ môn Ngữ văn.
Khi đang là sinh viên năm 2, cô đạt Huy chương Bạc cuộc thi Nghiệp vụ Sư phạm Toàn quốc mở rộng lần V – 2013. Hiện tại cô đang giảng dạy môn Ngữ văn, hệ song bằng Trường CĐ Xây dựng Công trình đô thị, Hà Nội. Đặc biệt, cô Thu là giáo viên nổi như cồn trên kênh Tik Tok với 640.000 người theo dõi, hơn 10 triệu lượt yêu thích.
Thế nhưng không ai ngờ rằng, cô từng trải qua giai đoạn khó khăn, vất vả khi tuổi thơ mà cô vẫn gọi là một "cô bé nhà quê thiếu thốn".
Từng phải mò từng con cua, con ốc mang ra chợ bán
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, cô Thu cho hay, tuổi thơ của cô là những tháng ngày dài trên lưng trâu với mùi vị của đồng lúa, của cỏ cây và những giọt mồ hôi sớm tối nơi quê nghèo ở Ninh Bình. Cứ thế, từng ngày, trái tim trẻ thơ trong cô lặng lẽ đi qua biết bao những cánh đồng lúa bạt ngàn - để rồi khi cô biết ước mơ, biết khát vọng cho một ngày trở thành cô giáo.
Ngày ấy, cô Thu còn là một con bé đen thui và nhem nhuốc. Đó là những lần giấu nhẹm cuốn sách giắt sau lưng để khi ra đồng vừa thả trâu, vừa đọc. Đó là những lần cô cháy hết mình với ước mơ - hồn nhiên trở thành một cô giáo ngay giữa cánh đồng, tự mình tưởng tượng ra học sinh, ra lớp học và say sưa giảng bài. Rồi những những lần ngồi khóc ỉ ôi cả ngày chỉ vì đánh rơi cuốn sách quý mà không thể nào tìm lại được. Khác với nhiều bè bạn, có thể họ luyến tiếc những thứ đồ chơi bị mất, thì cô Thu lại hờn giận khi bị mất một quyển sách nào đó. Có thể là cái tính trẻ con hơi khờ dại, thế nhưng đến giờ cô mới hiểu: cô đã yêu sách, yêu con chữ từ ngày đó.
Rồi lớn hơn một chút, bước chân vào cổng trường trung học. Nhiều người đến bây giờ vẫn nói là cô ương bướng và lao lực. Có khi vậy thật, vì ngay từ thuở ấy, để có tiền mua sách, cô đã không ngại giữa những trưa hè nắng gắt để mò mẫm bắt từng con cua, con ốc, nhặt từng con hến, con trai mang ra chợ. Còn đó những buổi chiều, khi mà chúng bạn đang mải mê thả diều, nhảy dây,… trên bờ đê thì dưới đồng ruộng cô vẫn cùng mẹ đẩy những xe ba gác chở phân để kịp công cấy sớm mai.
Tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và Phương pháp giảng dạy Bộ môn Ngữ văn, được làm đúng nghề mà bản thân yêu thích tại mảnh đất Hà Thành này với cô Thu là một sự nỗ lực không hề nhỏ. Ngày hôm nay, những lúc giảng bài, đôi khi cô Thu nhìn thấy mình của ngày xưa ở đâu đó trong các học trò của mình. Cô nhìn thấy ở các em là những khát vọng, thứ khát vọng đến cháy bỏng như của cô - con bé nhà quê đen nhẻm ngày nào. Để đến khi cô viết những dòng này, chỉ với một ước mong duy nhất, để các em học trò của cô hay bất kì một bạn trẻ nào đọc được, đều có thể tin rằng ngày mai không bao giờ phụ ngày hôm nay nếu chúng ta thực sự nỗ lực.
"Ai đó đã nói, khi bạn muốn bỏ cuộc thì hãy nhớ đến lúc bắt đầu. Cô Thu đã từng như thế, và nhiều bạn trẻ có lẽ cũng đã từng như thế. Chúng ta có thể quỵ ngã trước khó khăn, nhưng đừng bao giờ cho phép mình thôi hi vọng. Hãy sống bằng đam mê, bằng ý chí của một người trẻ và nỗ lực thực sự. Ngày mai sẽ ở trong tầm tay!", cô Thu nhắn nhủ.